Bắc Nam

Nuôi tôm chân trắng theo chiều sâu

Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Khánh Hòa, toàn tỉnh có khoảng 1.100 ha nuôi tôm chân trắng, chiếm 50% diện tích NTTS, trong đó vùng nuôi tôm chân trắng nhiều nhất là các huyện Ninh Hòa, Vạn Ninh và TP Cam Ranh.

Rút kinh nghiệm từ những vụ trước, năm nay Chi cục khuyến cáo người nuôi chọn con giống chất lượng tốt, thả đúng lịch thời vụ. Theo đó, tôm chân trắng chỉ thả nuôi 2 vụ trong năm: Vụ 1 bắt đầu thả giống từ cuối tháng 2; vụ 2 kết thúc trước tháng 10. Đối với vụ 1 nên thả với mật độ từ 80 - 100 con P12 - 15/m2; vụ 2 thả thưa hơn với mật độ từ 60 - 80 con P12 - 15/m2.

Tôm giống trước khi thả cần kiểm tra, xét nghiệm các bệnh nguy hiểm. Trước khi thả 5 - 10 ngày cần theo dõi diễn biến thời tiết và bản tin "Nông hộ cần biết cho NTTS" của Trung tâm KN-KN để nắm về nhiệt độ, bão, áp thấp nhiệt đới, gió mùa...). Nếu thời tiết không thuận lợi cho tôm nuôi thì tạm dừng thả giống.

Bà Trần Thanh Thuý, Phó Chi cục trưởng Chi cục NTTS Khánh Hòa cho biết: Ngoài việc đưa ra khuyến cáo lịch thời vụ, để hạn chế dịch bệnh trên tôm thì chất lượng giống là hết sức quan trọng. Ngay từ đầu năm, ngành đã tổ chức khảo sát các cơ sở cung ứng tôm giống trên địa bàn, chỉ đạo các cấp nhằm khuyến cáo người nuôi lựa chọn nơi cung cấp tôm giống có chất lượng, uy tín.

“Nếu như các hộ nuôi tôm thẻ tuân thủ lịch thả nuôi và có sự đầu tư cao như bắt giống có chất lượng, có ao chứa lắng, hệ thống dẫn nước, thoát nước thì nuôi sẽ thành công cao. Đến nay một số vùng nuôi trong tỉnh đã bắt đầu thả giống”, bà Thuý chia sẻ.

Tại vùng nuôi tôm chân trắng xã Ninh Ích, TX Ninh Hòa, người nuôi đã hoàn tất việc cải tạo ao sẵn sàng thả nuôi đợt 1. Ông Võ Đình Long, cán bộ phụ trách kinh tế xã Ninh Ích cho biết: “Năm nay người nuôi tôm có ý thức tốt trong việc chỉ đạo lịch thời vụ, không còn cảnh xé rào nuôi như những năm trước. Không những thế họ cũng rút được kinh nghiệm trong việc lựa chọn con giống có chất lượng để thả nuôi nhằm hạn chế dịch bệnh”.

Anh Nguyễn Văn Hưng ở thôn Tân Đảo cho biết, gia đình anh có 2 ao với tổng diện tích 4.500 m2. Đợt 1 năm ngoái thả hơn 40 vạn giống, với giá 30 đ/con. Nhưng sau thời gian ngắn thì tôm có triệu chứng bỏ ăn chết hàng loạt thiệt hại hàng chục triệu đồng. Nguyên nhân được anh xác định là do không tuân thủ lịch thả nuôi và thả giống kém chất lượng. Rút kinh nghiệm, năm nay trước khi thả giống đã cải tạo môi trường ao nuôi bằng men vi sinh, giống nuôi được đặt mua cơ sở có uy tín.

“Mặc dù giá tôm thịt lên trên 140.000 đ/kg, nhưng không vì thế mà tôi nuôi xé rào như mọi năm. Bởi với thời tiết hiện nay có sự chênh lệch ngày nắng nóng, đêm lạnh thì việc thả tôm cũng bất lợi. Vì vậy hiện gia đình tôi chỉ mới thả 1 ao nuôi 2.000 m2, mật độ chỉ 40 con/m2 để thử nghiệm”, anh Hưng nói.

Tại xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, người dân cũng chú trọng trong việc đầu tư thả nuôi tôm theo chiều sâu. Ông Trần Quang Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Thọ cho biết, vụ tôm năm nay, nhiều hộ đầu tư nuôi thâm canh. Hiện đã có trên 30 ha được đầu tư đưa vào thả nuôi thâm canh với hình thức ao đất lót bạt, vỗ bờ xi măng...

Ông Trần Tiến, một người nuôi tôm nơi đây cho biết: “Trước đây gia đình tôi nuôi tôm trong ao đất, luôn bị thua vì tôm bị mầm bệnh mang dịch. Bây giờ tôi đầu tư nuôi lót bạt, quản lý chặt môi trường nên 2 năm nay đều đạt năng suất cao".

Bài viết liên quan

Hình ảnh công ty 1

Hình ảnh công ty 2

Hình ảnh công ty 3

Hình ảnh công ty 5

Hình ảnh công ty 4

Hình ảnh công ty 6

0901 349 349